Hóa chất bạc nitrat (Tên tiếng Anh: Silver nitrate) có công thức hóa học là AgNO3. Đây là loại hóa chất được sử dụng khá phổ biến ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu – phân tích và cũng được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực trong công nghiệp sản xuất.
Ngày đăng: 22-09-2023
477 lượt xem
Bạc nitrat được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất khác nhau, từ công nghệ xi mạ điện, sản xuất chất tạo màu đến sản xuất đồ gốm sứ…
Bạc nitrat là thành phần chính trong dung dịch mạ bạc không xianua (cyanide-free silver electroplating) để tạo lớp mạ bạc trang trí cho đồ trang sức, đồng hồ… Thông thường, lớp mạ bạc nitrat được phủ lên lớp mạ niken. Ngoài ra, AgNO3 cũng được ứng dụng tạo lớp thụ động hóa màu đen xử lý cho bề mặt lớp mạ kẽm.
Silver nitrate được sử dụng để tạo bề mặt phản chiếu trên bề mặt kính để chuyển đổi kính thường thành gương.
AgNO3 được sử dụng nhiều trong công nghệ sản xuất các chất tạo màu như thuốc nhuộm và mực, một số thuốc nhuộm tóc cũng có bổ sung bạc nitrat. Ngoài ra, AgNO3 cũng là một trong những thành phần của các loại mực không tẩy xóa được, mực dùng trong các loại bút đánh dấu trên nền vải.
Bạc nitrat được sử dụng để tạo nên những tác phẩm đồ gốm sứ có nhiều màu sắc khác nhau.
Silver nitrate là cũng một trong những thành phần của một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật với công dụng như chất khử trùng, kiểm soát các bệnh do nấm và vi khuẩn và cải thiện sự phát triển của cây trồng thông qua quá trình oxy hóa.
Bạc nitrat có tính chất rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hoặc nguồn ánh sáng chói, phản ứng thủy phân sẽ xảy ra khi hóa chất này tiếp xúc với ánh sáng và dẫn đến sự hình thành hợp chất bạc oxit và axit nitric có màu đen hoặc nâu. Do đó, AgNO3 cần được bảo quản trong bao bì tối màu và tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp để hạn chế ảnh hưởng chất lượng của sản phẩm.
Đặc biệt, trường hợp lưu trữ bạc nitrat số lượng lớn: Vì AgNO3 có tính oxy hóa, nếu có xảy ra hỏa hoạn, chúng sẽ phân hủy và dễ dàng tạo ra oxy, đây là tác nhân hỗ trợ cho quá trình đốt cháy hoặc cháy. Do đó, cần cẩn thận để đảm bảo bạc nitrat được lưu trữ riêng biệt, cách xa bất kỳ hóa chất nào dễ cháy.
Bạc nitrat được sử dụng rất phổ biến ở phòng thí nghiệm và trong sản xuất, thao tác sử dụng với loại hóa chất này đơn giản và chúng cũng không gây ra nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, cũng có một số điểm cần lưu ý như sau:
– Bạc nitrat là một loại hóa chất ăn da và có khả năng gây kích ứng. Khi AgNO3 hàm lượng thấp được hấp thụ qua da thì sau một khoảng thời gian ngắn sẽ xuất hiện các vết màu tím, nâu hoặc đen trên da. Quá trình rửa sạch thông thường không loại bỏ được phần mô da đã đổi màu, khi tế bào chết trên da mất đi dần thì màu xám này sẽ phai theo thời gian. Tuy nhiên, khi tiếp xúc liên tục với bạc nitrat có nồng độ cao thì các tác dụng phụ sẽ dễ nhận thấy, bao gồm cả vết phỏng. Do vậy, cần phải luôn luôn sử dụng găng tay khi thao tác với hóa chất silver nitrate.
– Tương tự như các loại hóa chất cơ bản khác, bạc nitrat đi vào cơ thể qua đường miệng có thể gây ra những tác dụng nguy hiểm như nôn mửa, tiêu chảy ra máu, chóng mặt, co giật và đôi khi còn gây tử vong. Trường hợp nếu nuốt phải, cần uống nhiều nước (nhiều nhất là 2 ly), tránh nôn mửa. Sau đó gọi bác sĩ ngay lập tức.
Gửi bình luận của bạn