Ưu và nhược điểm khi làm sạch bề mặt kim loại bằng phương pháp điện giải

Làm sạch bằng phương pháp điện giải là một trong những phương pháp thực hiện ở công đoạn chuẩn bị các chi tiết trước khi mạ điện. Mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả làm sạch tốt, nhưng cũng như bất kỳ một quá trình hóa học nào, chúng cũng có những ưu và nhược điểm riêng.

Ngày đăng: 14-04-2023

315 lượt xem

 

Ứng dụng phương pháp điện giải trong làm sạch

Phương pháp điện giải được ứng dụng rất tốt từ việc làm sạch các chi tiết để chuẩn bị cho công đoạn mạ điện tiếp theo sau cho đến việc loại bỏ các khuyết điểm khỏi những chi tiết cũ kỹ hay gỉ sét, đặc biệt là các chi tiết cổ bằng kim loại. Các tạp chất thường ở những dạng dưới đây:

Dầu mỡ

Phương pháp này có thể loại bỏ được tất cả các loại dầu mỡ dạng hữu cơ đến dạng công nghiệp, ngay cả những loại dầu mỡ khó phân hủy nhất như dầu gia công, dầu ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, wax và chất bôi trơn.

Lớp phủ

Các loại sơn phủ, lớp photphat hóa mỏng và các lớp phủ hoàn thiện khác cũng có thể được loại bỏ dễ dàng bằng phương pháp điện giải mạnh.

Cáu cặn

Phương pháp điện giải cũng có thể loại bỏ dễ dàng được tất cả những dạng cáu cặn được hình thành theo thời gian và sau quá trình sử dụng như cặn nước cứng, gỉ sét và các lớp xỉn màu.

Ưu điểm của phương pháp

So với các phương pháp khác, làm sạch bằng phương pháp điện giải có một số ưu điểm nổi bật:

Làm sạch cực kỳ kỹ lưỡng

Đối với các chi tiết bằng vật liệu sắt, điện giải dương cực là một phương pháp cực kỳ hiệu quả để làm sạch. Phương pháp này không chỉ loại bỏ tất cả tạp chất mà còn giảm thiểu tác hại phá hủy phôi, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng khi xử lý làm sạch cho các chi tiết đồ cổ hoặc các dự án tái hoàn thiện.

Hiệu quả với nhiều loại tạp chất

Bất kể tạp chất ở dạng nào, từ sáp hữu cơ, dầu mỡ vô cơ hay sự tích tụ tự nhiên của gỉ sét hoặc lớp xỉn màu, phương pháp điện giải có thể giúp loại bỏ chúng một cách dễ dàng.

Đa ứng dụng

Quá trình làm sạch bằng phương pháp điện giải có thể ứng dụng với cả quy trình mạ treo và mạ quay.

Nhược điểm của phương pháp

Mặc dù làm sạch bằng phương pháp điện giải có một số ưu điểm nổi trội so với các phương pháp làm sạch khác, nhưng vẫn có một số nhược điểm, chủ yếu liên quan đến quy trình và khả năng tương thích của nó với một số vật liệu nhất định. Một số nhược điểm có thể kể ra như sau:

Hiệu quả làm sạch khác nhau

Làm sạch bằng phương pháp điện giải được thực hiện theo 2 cách chính là: điện giải dương cực và điện giải âm cực, ngoài ra còn có các biến thể khác như đảo chiều định kỳ và điện giải gián đoạn. Trong đó, khi dùng quy trình điện giải âm cực, màng kim loại có thể hình thành. Điều này không xảy ra thường xuyên, nhưng khi xảy ra, nó có thể làm cho bề mặt chi tiết trở nên gồ ghề với đặc tính kết dính kém dẫn đến kết quả làm giảm chất lượng của lớp mạ hay lớp phủ hoàn thiện tiếp theo sau.

Hiện tượng giòn hydro

Sự hình thành khí hydro khi làm sạch bằng phương pháp điện giải âm cực có thể dẫn đến hiện tượng giòn hydro trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt là các chi tiết bằng vật liệu đặc biệt cứng.

Sự tương thích của vật liệu cần làm sạch

Cả quy trình điện giải dương cực và điện giải âm cực đều có thể gây ra kết quả không tốt đối với một số vật liệu nhất định nếu không thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Có thể kể đến là phôi kẽm, kẽm có thể bị khử kẽm và ăn mòn quá mức trong môi trường nhiệt độ cao và dòng điện cao.

Cách kiểm tra hiệu quả của quá trình làm sạch

Có nhiều cách để có thể đánh giá hiệu quả của quá trình làm sạch bằng phương pháp điện giải trên từng chi tiết gia công xử lý. Một vài cách đơn giản nhất có thể áp dụng như sau:

Lau bề mặt

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để kiểm tra chất lượng làm sạch là rửa sạch và sau đó lau bề mặt chi tiết bằng khăn sạch rồi quan sát. Bất kỳ tạp chất nào còn tồn đọng trên bề mặt chi tiết đều có thể được tìm thấy bằng mắt hoặc bằng cách chạm vào (khăn sạch sau khi lau).

Rửa sạch bề mặt

Cách đơn giản khác có thể dễ dàng áp dụng là rửa sạch chi tiết và quan sát vết loang nước trên bề mặt chi tiết. Những vết loang nước này thường chỉ ra rằng chi tiết chưa được làm sạch hoàn toàn.

Kiểm tra sau sản xuất

Đây không phải là cách lý tưởng để phát hiện các vấn đề trong quá trình làm sạch, nhưng nhìn chung có thể xác định độ sạch của chi tiết (sau công đoạn làm sạch) thông qua chất lượng của lớp phủ hay lớp mạ tiếp theo sau đó.

Một chi tiết được làm sạch không đạt yêu cầu sẽ có các khu vực lớp phủ hay lớp mạ bị bong tróc, thô ráp hoặc không hoàn hảo. Mặc dù lớp hoàn thiện có chất lượng kém cũng có thể là kết quả của các yếu tố không liên quan (với quá trình làm sạch), nhưng lý do phổ biến nhất dẫn đến chất lượng hoàn thiện kém thường là do lỗi trong quá trình làm sạch.

Nói chung, những điểm không hoàn hảo trong quá trình làm sạch tốt nhất nên được phát hiện trước khi thực hiện công đoạn hoàn thiện tiếp theo sau.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Làm sạch bề mặt kim loại bằng phương pháp điện giải

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha